- Sinh ra trong gia đình có của ăn của để, người mẹ vướng vòng lao lý khiến cơ nghiệp “đội nón ra đi”. Ngày ngày Thắng cần mẫn làm lồng chim bán lấy tiền kêu oan cho mẹ.
Gánh nặng của cậu trai làng
Trong đơn gửi VietNamNet, Trần Đình Thắng (SN 1997) trình bày những thống khổ, day dứt của một người con khi mẹ mình vướng vòng lao lý, đang chịu bản án oan khiên về tội “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.
Đặng Đình Thắng - cậu trai trẻ 18 tuổi làm lồng chim mưu sinh lấy tiền kêu oan cho mẹ. |
Từ chỗ nhà cao cửa rộng, bố con Thắng phải thuê căn nhà tạm bợ ở chợ Chiều (thôn Quan Độ, xã Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ninh) làm chốn nương thân.
Hàng ngày, hai bố con cặm cụi làm lồng chim bán lấy tiền trang trải cuộc sống và tích cóp để kêu oan cho mẹ.
“Mỗi lần vào tiếp tế, nhìn mẹ cháu gầy rộc, héo mòn mà cháu không biết phải làm sao. Bố mẹ cháu đều là nông dân chất phác, buôn bán đất đai theo thời cuộc chứ chưa bao giờ biết lừa đảo người khác. Khi chưa thụ án, mẹ cháu vẫn kiên trì đi kêu oan. Giờ, mẹ cháu trong tù, cháu và bố cháu đi kêu oan thay cho mẹ”, Thắng buồn rầu kể.
Khi mẹ vướng vòng lao lý, Thắng chưa tốt nghiệp THPT. Nay đã gần 20 tuổi nhưng Thắng nhỏ thó như một học sinh cấp 2.
Bố Thắng, anh Đặng Đình Tráp (SN 1971), như người mất hồn từ khi vợ bị vướng vào lao lý. Mọi lo toan, gánh nặng đè lên vai cậu con trai vừa qua tuổi vị thành niên.
Đầu cơ đi buôn, vướng tội “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”
Tháng 12/2011, chị Nghiêm Thị Thúy (SN 1974, mẹ Thắng), mua thửa đất 80m2 của gia đình vợ chồng bà Phan Thị Hiền (SN 1959) và ông Trần Thiện Biên (SN 1954, trú phường Đông Ngàn, TX Từ Sơn, Bắc Ninh) với giá 1 tỷ đồng.
Chị Thúy đặt cọc cho bà Hiền 100 triệu đồng vào ngày 6/12/2011, hẹn 10 ngày sau sẽ thanh toán nốt số tiền còn lại (900 triệu đồng).
Anh Đặng Đình Tráp và cậu con trai gần một năm qua gõ cửa kêu cứu cho vợ, cho mẹ |
Do không đủ tiền, chị Thúy đi vay lãi của bà Nguyễn Thị Oanh (trú tại Chùa Dận, phường Đình Bảng, Từ Sơn) 900 triệu đồng, lãi suất 4%/tháng. Bà Oanh yêu cầu phải làm hợp đồng chuyển nhượng thửa đất từ vợ chồng bà Hiền sang cho bà Oanh, như là một biện pháp đảm bảo nghĩa vụ trả nợ.
Ngày 17/12/2011, chị Thúy làm hợp đồng cầm cố tài sản với nội dung: thế chấp thửa đất nói trên cho bà Oanh trong thời hạn 6 tháng, trả lãi hàng tháng.
“Trong thời gian 6 tháng, vợ tôi được toàn quyền bán thửa đất này để trả nợ bà Oanh, còn ngoài 6 tháng mà vợ tôi không bán được đất, bà Oanh có quyền bán để trừ nợ “hợp đồng cầm cố tài sản”, anh Tráp cho hay.
Ngày 28/4/2016, tại phiên xét xử phúc thẩm bà Phan Thị Hiền, chủ thửa đất – tài sản tranh chấp trong vụ án, đã có văn bản viết tay gửi HĐXX. Bà Hiền xác nhận, chị Nghiêm Thị Thúy là người đến đặt vấn đề mua đất của gia đình và đã đặt cọc trước số tiền 100 triệu đồng. Bà cũng cho biết, bà không hoàn trả lại số tiền 100 triệu tiền đặt cọc mà chị Thúy đã trả trước cho mình như trong bản kết luận điều tra, cáo trạng của CQĐT Công an tỉnh Bắc Ninh, VKSND tỉnh Bắc Ninh ghi. |
Đầu tháng 3/2012, anh Phạm Văn Sỹ (trú tại phường Tân Hồng, TX Từ Sơn) đến đặt vấn đề mua đất và được chị Thúy nói về hiện trạng thửa đất đang cầm cố cho bà Oanh, nếu anh Sỹ đồng ý mua thì sẽ chuyển tên từ người bán cho anh Sỹ.
Anh Sỹ đồng ý mua thửa đất này với giá 1 tỷ đồng (bằng giá tiền chị Thúy mua ban đầu). Ngày 13/3/2012, anh Sỹ đặt cọc 500 triệu đồng (trong đó có 1 triệu đồng tiền phí nhờ anh Tráp chuyển khẩu giúp anh Sỹ từ Hải Phòng về TX Từ Sơn). Trong thỏa thuận đặt cọc, ngày 31/5/2012, anh Sỹ sẽ thanh toán nốt số tiền còn lại và chị Thúy sẽ làm thủ tục mua bán, sang tên cho anh Sỹ.
Tuy nhiên, qua hẹn giao dịch ngày 31/5. Ngày 1/6/2012, anh Sỹ đến gây áp lực với chị Thúy yêu cầu lấy lại tiền cọc, ép chị Thúy viết giấy cam kết trả tiền vào ngày 4/6/2012.
“Việc anh Sỹ không thực hiện cam kết theo thỏa thuận đẩy vợ chồng tôi vào tình trạng không thực hiện được thỏa thuận với bà Oanh. Vợ tôi đã trình bày trong đơn gửi TAND – VKSND tỉnh Bắc Ninh vào ngày 3/2/2013 – thời điểm trước khi phiên toà diễn ra).
Tháng 10/2012, bà Oanh bán thửa đất đang tranh chấp cho người khác theo đúng tinh thần “hợp đồng cầm cố” vay nợ của chị Thúy với bà.
Ngày 18/5/2014, anh Sỹ làm đơn tố cáo chị Thúy đến cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Ninh. Ngày 29/7/2014, CQĐT ra QĐ khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can ngày 18/8/2014 đối với Nghiêm Thị Thúy về tội danh “lừa đảo, chiếm dụng tài sản”.
Kêu oan
Trong những lá đơn kêu oan, cho rằng hành vi vi phạm pháp luật của mình chỉ là hành vi dân sự; mấu chốt của sự việc là anh Phạm Văn Sỹ là người phá hợp đồng mua bán, không thực hiện theo cam kết thanh toán nốt số tiền mua đất vào ngày 31/5/2012. (Trong thỏa thuận đặt cọc mua bán đất giữa Nghiêm Thị Thúy và Phạm Văn Sỹ, nếu bên nào vi phạm hợp đồng sẽ có trách nhiệm đền bù bằng số tiền đặt cọc – 500 triệu đồng).
Ngày 21/8/2014, chị Thúy bị bắt tạm giam, ngày 2/12/2014, VKS tỉnh Bắc Ninh ban hành cáo trạng truy tố Nghiêm Thị Thúy trước TAND tỉnh Bắc Ninh. Chị Thúy đối mặt với bản án tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân do hành vi “Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên”.
Ngày 9/11/2015, TAND tỉnh Bắc Ninh tuyên phạt chị Thúy 9 năm tù giam với tội danh “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.
Không đồng tình với bản án, chị Thúy đã viết đơn kháng cáo. Ngày 28/4/2016, phiên phúc thẩm đã được HĐXX Tòa án cấp cao mở tại Bắc Ninh, nhưng bị hoãn do bà Nguyễn Thị Oanh – người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt.
Luật sư Nguyễn Hồng Bách (Công ty luật Hồng Bách và Cộng sự, Đoàn Luật sư TP Hà Nội), bào chữa cho Nghiêm Thị Thúy nêu quan điểm: VKSND tỉnh Bắc Ninh truy tố bà Nghiêm Thị Thúy tội danh “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” là chưa đủ căn cứ. Cụ thể, bà Thúy là người mua đất của bà Hiền nên bà Thúy có quyền bán đất này cho anh Sỹ. Việc mua bán này đã có thỏa thuận đặt cọc, anh Sỹ là người vi phạm hợp đồng thỏa thuận trước dẫn tới việc bà Thúy vi phạm thỏa thuận với bà Oanh. CQĐT đã bỏ qua nhiều tình tiết quan trọng của vụ án như không đi sâu làm rõ từng khoản nợ cụ thể liên quan đến số tiền chốt công nợ giữa bà Oanh và Thúy; không thực hiện việc đối chất với những người có liên quan đến vụ việc… |
Kiên Trung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét